Đàn T’rưng, tiếng hát đại ngàn.

Trong kho tàng nhạc cụ dân tộc đồ sộ của người Việt Nam, có một loại nhạc cụ mà âm thanh của nó phát ra nghe réo rắt như tiếng nước róc rách trong khe suối trong. Một thứ âm thanh trong trẻo, vui tươi và mang đến cho người nghe một sự yên bình và niềm hân hoan hiếm có. Đó chính là đàn T’rưng (Bamboo Xylophone)  

Cấu tạo

T’rưng trong tiếng của người Ba Na có nghĩa là đàn lồ ô, tức là tre. Hiển nhiên tre là vật liệu chính tạo nên đàn T’rưng. Đàn T’rưng có cấu tạo khá đơn giản, mộc mạc như chính con người núi rừng Tây Nguyên. Được ghép từ những ống tre dài ngắn khác nhau, ống dài nhất khoảng 1,5m và ngắn nhất khoảng 30cm. Đàn T’rưng của người Ba Na gồm từ 12 đến 18 ống chứ không ngắn như đàn T’rưng của người Ê- đê, M’nông chỉ có từ 5-7 ống.

Chế tạo

Khác với cấu tạo, quá trình chế tác phải trải qua rất nhiều công đoạn thủ công và mất một thời gian khá dài để hoàn thành, thường từ 2 đến 3 tháng. Đầu tiên, phải tìm những ống tre không quá già, cứng cáp, khoét rỗng thân tre rồi ngâm dưới nước gần 1 tháng. Sau đó vớt lên phơi 5 đến 7 con nắng, rồi lại ngâm tiếp cùng với thời gian như vậy, điều này giúp cho ống tre vừa dẻo dai, không nứt nẻ, cũng không bị mối mọt. Cao độ của các nốt nhạc do đàn T’rưng tạo ra không chỉ phụ thuộc vào độ dài ngắn, dày mỏng của các ống tre, mà còn phụ thuộc vào cách đẹo gọt từng ống tre. Một đầu của ống tre được vót bằng (tất cả xếp cùng một phía) và một đầu còn lại được vót xéo theo các độ nghiêng khác nhau. Và đây cũng là công đoạn khó khăn nhất, quyết định chất lượng của tiếng đàn, vì độ nghiêng của đường vót khác nhau tạo ra âm thanh khác nhau, nên khi vót quá tay, cho ra âm thanh không đúng như ý muốn, buộc người làm đàn phải vót lại từ đầu cho đến khi vừa ý.

Công đoạn tiếp theo là quá trình bện các ống lại với nhau, các ống ngắn trên cao, ống dài xuống thấp dần. Vật liệu để buộc các ống tre với nhau là me vóc (mây rừng). khoảng cách giữa ống nọ với ống kia rộng chừng 0,5cm

Cách chơi

Cách chơi rất đơn giản, là dùng dùi gõ vào các ống tre. Cái khó là phải nhớ được cao độ các nốt nhạc của từng ống tre. Dùi thường dùng là dùi gỗ, sừng bò, sừng trâu nhưng theo kinh nghiệm của những nhạc công và nghệ nhân làm đàn thì sừng nai là tốt nhất vì cho ra âm thanh đúng nhất khi gõ. Âm nhạc vùng Tây Nguyên rất phong phú, mỗi dân tộc lại có một thang âm khác nhau. Đàn T’rưng của người Ba Na cơ bản có 2 thang âm B – D#1 – F1 – G#1 – A1 – B1 hoặc: C1 – D1 – F1 – G1 – A1 – C2 Các ống đàn sẽ được thay đổi vị sao cho phù hợp với ca khúc cần diễn tấu hoặc thay đổi theo thang âm từng dân tộc. Trải qua nhiều cải tiến, ngày nay đàn T’rưng đã mở rộng âm vực lên đến gần 3 quãng 8. Vì thế nên nhiều cây đàn T’rưng có thể được chơi cùng một lúc, tao ra sự hòa quyện của giai điệu chính, giai điệu bè ở những quãng khác nhau như một dàn hợp xướng.

Share your thoughts